Học trường nghề: Lựa chọn hợp lý

04/01/2022

 

Ý kiến người trong cuộc

Nguyễn Anh Đức (Long Biên, Hà Nội) có học lực loại giỏi, gia đình mong muốn Đức sẽ đăng ký dự tuyển vào một trường đại học nào đó. Nhưng cuối cùng, gia đình hết sức bất ngờ khi Đức chỉ chọn duy nhất một trường cao đẳng Y. Sau 3 năm học, Đức đã ra trường và có việc làm ngay với vị trí điều dưỡng viên tại một bệnh viện công có tiếng ở Hà Nội.

Đức tâm sự: Em thích ngành Y, nếu đăng ký vào Đại học Y Hà Nội có thể không đạt, nên em đã đăng ký vào trường cao đẳng. Với điểm thi cao nên tâm lý của em rất thoải mái, khi nộp kết quả xét tuyển chỉ mong sớm đến ngày nhập học. Đến nay em vui với công việc của mình, được làm việc mình yêu thích là ngành Y, Đức cười vui vẻ.

Khó có thể hình dung một chàng trai như Đức, to cao đẹp trai, học giỏi lại có suy nghĩ chọn cho mình một con đường vào đời hết sức đơn giản như vậy. Đưa trường hợp này ra hỏi các chuyên gia giáo dục, nhiều người cho rằng Đức đã hết sức thông minh, hiện đại và rất thực tế. Suy cho cùng học đại học hay cao đẳng hoặc trung cấp thì đi làm cũng là nghề.

Nghề nào cũng có vinh quang và cơ hội thu nhập tốt nếu ta toàn tâm, toàn ý lao động hăng say. Thế nên, giờ đây có nhiều bạn trẻ không còn quá nặng nề về việc phải chọn cho mình một trường đại học để trở thành kỹ sư, bác sĩ. Các bạn đã nghĩ hết sức đơn giản, nghề nào cũng là nghề, miễn là lao động chân chính có được thu nhập ổn định. Điều này lý giải vì sao nhiều học sinh đã chọn cho mình những nghề làm hướng đi cho tương lai.

 

Quan trọng là hướng nghiệp

Thầy Nguyễn Mạnh Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vui vẻ cho biết: “Thành công của chúng tôi khi tư vấn cho học sinh lựa chọn trường, chọn nghề là hãy tính đến đặc thù công việc phù hợp nhất với mình. Là địa bàn hải đảo, du lịch phát triển nên tự thân học sinh cũng thấy có nhiều cơ hội để lựa chọn công việc như đi làm nghề biển, làm dịch vụ du lịch.

Chính vì thế hơn ai hết các em hiểu không nhất thiết đi học đại học. Học nghề và sớm được tham gia thị trường lao động để có thu nhập là điều các em hướng tới. Tôi thấy các em đã thay đổi suy nghĩ. Năm nay, Trường THPT Quan Lạn không có nhiều HS đăng ký xét tuyển đại học mà các em nghiêng về hướng chọn lựa theo hướng học nghề và đi làm”.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, việc nhận thức của phụ huynh và học sinh cuối cấp học những năm gần đây đã có những biến đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Đây là thành công của công tác hướng nghiệp, các em chọn nghề tính đến hiệu quả và thiết thực hơn. Giờ đây tâm lý chung của nhiều học sinh đã không còn quá nặng nề vào tâm lý phải học một trường đại học. Nhiều HS có học lực tốt và điều kiện gia đình khá giả cũng quyết định học nghề để lập thân.

Thực tế này đã được minh chứng qua việc đăng ký xét tuyển vào các trường đại học thời gian qua, chỉ tiêu có nhiều nhưng người học lại không mặn mà đón nhận. Điều này cho thấy việc lựa chọn ngành nghề đào tạo khi đăng ký xét tuyển cũng chính là chọn công việc tương lai phù hợp với năng lực và sở thích, cũng như cơ hội việc làm. Nhiều học sinh và phụ huynh đã thay đổi đích đến là giảng đường đại học mà học trường nghề.

 

Chủ trương phân luồng

Vĩnh Phúc, một tỉnh phát triển mạnh về các khu công nghiệp, chế xuất và cũng là vùng đất hiếu học. Vừa chăm lo phát triển chất lượng giáo dục, Vĩnh Phúc cũng đẩy mạnh công tác phân luồng sau các cấp học. Đặc biệt công tác hướng nghiệp, dạy nghề được đẩy mạnh và đem lại hiệu quả cao. Để thực hiện, Vĩnh Phúc đã tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ cấp xã, huyện, tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp.

Cùng với đó là việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị tại các cơ sở đào tạo, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, đáp ứng được chương trình đào tạo các nghề. Vĩnh Phúc hiện có 49 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, số lao động có việc làm sau đào tạo hằng năm đạt hơn 80%, hàng nghìn lao động được đào tạo tại các cơ sở dạy nghề, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, bồi dưỡng nâng cao kiến thức.

Nói về bài học kinh nghiệm của Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: “Chúng tôi luôn quan tâm đến phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm là thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THPT và THCS, liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo.

Chúng tôi đã thành lập các Ban hướng nghiệp, Tổ tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường. Cùng với đó xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn, tăng cường đầu tư cho các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, chuyển mục tiêu từ phát triển theo số lượng sang đầu tư vào chất lượng đào tạo. Cho dù các em có lựa chọn học trường nghề thì cơ hội việc làm vẫn luôn rộng mở, đó là điều là nên thành công chung”.

Hà An