Việt Nam muốn thoát bẫy thu nhập trung bình phải bắt đầu từ dạy nghề

04/01/2022

 

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao mối quan hệ giữa Chính phủ Đức và đặc biệt là các Bang, Tổ chức GIZ, Công ty Vivantex với Bộ LĐ-TB&XH trong thời gian qua. Đặc biệt là hợp tác về đào tạo nghề, đưa điều dưỡng viên sang CHLB Đức học tập và làm việc…

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao mối quan hệ giữa Chính phủ Đức và đặc biệt là các Bang, Tổ chức GIZ, Công ty Vivantex với Bộ LĐ-TB&XH. Ảnh Chí Tâm.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin tới ngài Đại sứ quán CHLB Đức về việc Việt Nam rất quyết liệt triển khai các công ước quốc về lao động của ILO. Đồng thời, triển khai nội luật hóa các công ước quốc tế. Bộ trưởng cho biết: “Ngay trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ sẽ trình bước đầu lên Quốc hội Bộ luật Lao động (sửa đổi)”.

 

Riêng về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ngày 21/5, Quốc hội sẽ bàn để ấn đinh thời gian thông qua Luật giáo dục, trong đó có nội dung về giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, sẽ Luật hóa lĩnh vực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Bộ LĐ-TB&XH.

 

Toàn bộ trường nghề được dạy văn hóa phổ thông. Theo đó, các học sinh học hết lớp 9 được vào trường nghề để học nghề, đồng thời được học các môn văn hóa để có thể thi đại học sau khi hoàn thành chương trình. Có nghĩa các học sinh vừa học nghề, vừa được bổ túc về văn hóa.

 

Đáp từ Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Đại sứ Đức tại Việt Nam Christian Berger khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Chính phủ CHLB Đức những năm qua, trong đó có sự hợp tác chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

 

Ngài Đại sứ cho biết: “Trước đây, tôi cũng đã từng đi học nghề, sau đó mới đi học đại học nên tôi hiểu đào tạo nghề kép ưu Việt đến mức nào. Tuy nhiên, việc áp dụng đào tạo kép như vậy tại một nước khác không hề đơn giản. Tôi rất vui mừng khi Việt Nam quan tâm đào tạo nghề kép theo mô hình của Đức”.

 

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Việt Nam chỉ có một cách duy nhất để thoát khỏi bẫy nước thu nhập trung bình là phải xây dựng và phát triển hệ thống đào tạo nghề chất lượng cao. Ảnh Chí Tâm.

 

Ngài Christian Berge cũng cho rằng, Ngân hàng Thế giới cũng như nhiều tổ chức đều đánh giá, Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, chỉ có một cách duy nhất là Việt Nam phải xây dựng và phát triển hệ thống đào tạo nghề chất lượng cao mới có thể có bước nhảy vọt từ công nghệ 2.0 lên công nghệ 4.0, bắt kịp xu thế thế giới.

 

“Hệ thống đào tạo nghề song hành hay đào tạo nghề kép ở Đức nếu Việt Nam áp dụng thì nhân tố liên quan là Nhà nước, doanh nghiệp và phụ huynh cần thay đổi cách nhìn nhận về học nghề; Các doanh nghiệp phải nhận thức được vai trò quan trọng của đào tạo nghề, chú trọng đầu tư vào đào tạo nghề sau đó mới thu lợi nhuận; Phụ huynh phải đầu tư cho con học nghề. Để giải quyết được vấn đề này không thể ngắn hạn, mà phải trung hạn và dài hạn” – ngài Christian Berge nhấn mạnh.

 

Cũng theo ngài Christian Berge, định hướng đào tạo nghề tại Việt Nam cần phải chú trọng nhiều đến thực hành. Cụ thể, học phần thực hành càng nhiều càng tốt. Thông thường, ở Đức, đào tạo nghề cho học sinh với 2/3 thời gian học tại nhà máy và 1/3 thời gian học tại trường nghề.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, Việt Nam chỉ có một cách duy nhất để thoát khỏi bẫy nước thu nhập trung bình là phải xây dựng và phát triển hệ thống đào tạo nghề chất lượng cao. Hội nghị Trung ương 10 khóa XII vừa họp cũng xác định, giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đổi mới để áp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Việt Nam và nhiều quốc gia đều khẳng định, Đức có mô hình đào tạp nghề kép rất tốt và để theo được mô hình này cần một thời gian rất dài bởi Đức đã có kinh nghiệm hàng trăm năm. Vì thế, không phải ngẫu nhiên Việt Nam nhập 34 Bộ giáo trình đào tạo nghề của Đức. Hiện nay, có 3 Bang  của Đức đã đặt vấn đề ký hợp tác giáo dục nghề nghiệp và nguồn nhân lực. Cuối tháng 6 tới, Việt Nam sẽ tổ chức một hội nghị 3 bên về đào tạo nghề. Bộ trưởng mời Đại sứ quán CHLB Đức tham dự hội nghị và có bài trình bày về quan điểm, cách thức đào tạo nghề tại Đức.

 

Cuối buổi tiếp, Đại sức quán CHLB Đức chuyển lời mời của Thủ hiến bang Baden-Württemberg tới Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sang thăm và làm việc trong thời gian tới với nội dung chủ yếu là bàn về hợp tác đào tạo nghề. Trong chương trình dự kiến, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng sẽ làm việc với Bộ Hợp tác phát triển kinh tế và Bộ Lao động của CHLB Đức. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã vui vẻ nhận lời và sẽ sắp xếp thời gian thích hợp sang thăm Đức.

 

_Theo VÂN KHÁNH_Báo Dân sinh