Tháo điểm “nghẽn” trong giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề

04/01/2022

 

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông hiện nay” do Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại khi công tác giáo dục hướng nghiệp hiện nay chưa đạt kết quả như mục tiêu đề ra.

 

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Phạm Văn Ðại dẫn chứng: Ở Hà Nội, số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường dạy nghề) còn rất thấp. Giai đoạn 2011-2015, con số này mới dừng ở 5,8 đến 7,2%; năm học 2018-2019, con số này có nhỉnh hơn, nhưng mới đạt 11,8%. Ông Ðại nhấn mạnh: Hướng nghiệp và phân luồng học sinh là yêu cầu tất yếu trong giáo dục phổ thông, đây cũng là đòi hỏi của thực tiễn, nhưng Luật Giáo dục lại không quy định cụ thể về nội dung này. Vì vậy, tại Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến, cần đưa ra định nghĩa về “hướng nghiệp”, “phân luồng” để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng trong việc thực thi luật. Bên cạnh đó, các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề cũng nên tự đổi mới, ngay khi tuyển sinh cần nêu rõ đích đầu ra (làm gì, làm ở đâu, lương khởi điểm) để phụ huynh và học sinh yên tâm lựa chọn ngành nghề theo học. Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên, giữa nhà trường và doanh nghiệp để công tác đào tạo, hướng nghiệp đạt hiệu quả, bám sát thực tiễn.

 

Tính đến tháng 12-2018, tại Hà Nội có 369 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Giai đoạn 2015-2018, các cơ sở này đã đào tạo được hơn 742 nghìn người, trong đó hơn 71 nghìn người có trình độ cao đẳng, hơn 101 nghìn người có trình độ trung cấp, còn lại là trình độ sơ cấp. Ðáng chú ý, tỷ lệ học sinh THCS sau khi học nghề có việc làm khá cao, đạt từ 65 đến 76% trong khối nghề kỹ thuật; từ 75 đến 85% khối nghề kinh tế; từ 58 đến 78% khối dịch vụ. Tuy vậy, trên thực tế, các trường dạy nghề hiện nay vẫn chưa thu hút được học sinh.

 

Ðại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội chia sẻ: Công tác tuyển sinh học sinh THCS vào học nghề khó khăn một, thì việc tuyển học sinh trung học phổ thông (THPT) vào học nghề lại khó khăn gấp bội, do cơ chế xét tuyển vào đại học hiện nay rất mở. Mặt khác, theo quy định hiện hành, học sinh THCS nếu tham gia học nghề thì chỉ được học lên trung cấp, còn muốn liên thông lên cao đẳng phải là học sinh THPT, tạo “rào cản” trong công tác tuyển sinh. Ðây cũng là điểm cần tháo gỡ tại Luật Giáo dục khi được sửa đổi. Cùng với đó, cần có chính sách miễn giảm học phí cho học sinh các trường dạy nghề.

 

Dưới góc độ là một nhà giáo, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa cho biết, các trường đang rất vất vả trong việc hướng nghiệp cho học sinh bởi hai yếu tố: từ chính cha mẹ học sinh và từ tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường. Phần lớn các bậc cha mẹ không muốn cho con học nghề, mà mong muốn con có cơ hội học lên đại học, trong khi nhiều học sinh năng lực học tập không cao. Cách dạy và học hiện nay chưa chú trọng đến việc để học sinh phát hiện ra khả năng của mình, từ đó lựa chọn sẽ học lên đại học hay theo học các trường nghề. Các trường hiện nay đang rất thiếu cơ sở vật chất, điều kiện thực hành thí nghiệm và các khu trải nghiệm về các ngành nghề để học sinh có thể tham gia, có thể sáng tạo các sản phẩm theo sở thích, thế mạnh của mình. Thực tế, phần lớn những học sinh chọn học nghề là những em có học lực yếu và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng lao động. Chính vì vậy, khi sửa đổi Luật Giáo dục, cần bổ sung điều kiện cơ sở vật chất tại các trường để giúp học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm, khám phá khả năng, ngành nghề yêu thích để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp bản thân.

 

Hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh ngay từ khi còn học THCS, THPT có ý nghĩa quan trọng, giúp học sinh có lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn. Ðể đẩy mạnh công tác này, cùng với việc kiến nghị điều chỉnh, bổ sung những điều khoản trong Luật Giáo dục, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút học sinh học nghề đồng thời với học văn hóa. Cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách, học sinh dân tộc thiểu số tham gia học tập tại các trường nghề. Thành phố cũng sẽ bổ sung trang thiết bị dạy học cho một số cơ sở giáo dục được lựa chọn thí điểm về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông… Hy vọng rằng, những động thái tích cực này sẽ khắc phục cơ bản tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay, qua đó góp phần nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn.

Theo An Trân- Báo Nhân Dân